Mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta từ năm 2007, tỷ số giới tính tăng cao ở mức “báo động đỏ” vào năm 2009 với mức 133 nam/100 nữ. Với nhiều giải pháp được triển khai, tỷ số đó dần giảm về mức 116 nam/100 nữ vào năm 2013.
Trong những năm qua, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như: Duy trì tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ở mức dưới 1%; thực hiện quy mô gia đình nhỏ (từ 1 đến 2 con), nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân ngày càng được nâng cao… Những kết quả đó đã tác động tích cực, toàn diện đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đang ở mức cao, dao động từ 118 nam đến trên 130 nam/100 nữ.
Mất cân bằng giới tính khi sinh ở tỉnh ta từ năm 2007, tỷ số giới tính tăng cao ở mức “báo động đỏ” vào năm 2009 với mức 133 nam/100 nữ. Với nhiều giải pháp được triển khai, tỷ số đó dần giảm về mức 116 nam/100 nữ vào năm 2013. Tuy nhiên, từ năm 2018 trở lại đây, tỷ số giới tính khi sinh giữa nam và nữ lại tiếp tục có chiều hướng tăng. Cụ thể, năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh là 117,4 nam/100 nữ; năm 2019 lên mức 120 nam/100 nữ; năm 2020 giảm còn 118 nam/100 nữ. Theo thống kê của Chi cục Dân số - KHHGĐ, năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh là 120 nam/nữ (chỉ tiêu theo kế hoạch được giao là 117 nam/nữ). Một số huyện có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao như: Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu… tỷ số giới tính khi sinh đều vượt quá 120 nam/100 nữ.
Đồng chí Phạm Văn Khởi, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng MCBGTKS ở tỉnh ta là do chế độ gia tộc phụ hệ truyền thống. Tâm lý có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên đã bám rễ trong quan niệm của nhiều người dân. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ trong việc phát hiện giới tính thai nhi, sự thuận tiện, sẵn có các dịch vụ đáp ứng nguyện vọng nạo phá thai… đang góp phần làm gia tăng tình trạng MCBGTKS như hiện nay.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tỷ số giới tính được coi là bình thường, phù hợp với tự nhiên là trong khoảng 103 – 107 nam/100 nữ. Như vậy, vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh ở tỉnh ta những năm gần đây đang ở mức “báo động”. Thực trạng này diễn ra ở tất cả các nhóm, không phân biệt trình độ học vấn, tình trạng kinh tế, đặc biệt là ở nhóm đối tượng sinh con thứ 3 trở lên. Những hệ lụy mà các nhà khoa học cảnh báo là tình trạng thiếu hụt số trẻ em gái gần đây sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt phụ nữ ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai. Tác động chính của hiện tượng mất cân bằng giới tính sẽ liên quan tới cấu trúc gia đình, một tỷ lệ nam giới khá lớn ở tuổi trưởng thành đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời. Mặc dù, Điều 10, Nghị định số 104/NĐ-CP của Chính phủ ngày 16.9.2003 đã quy định rõ: Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai... Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm không dễ dàng, vì trên các tờ kết quả siêu âm không ghi giới tính thai nhi, trong khi muốn xử lý được đòi hỏi phải có bằng chứng, chứng cứ, biên lai rõ ràng…
Bên cạnh thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng sinh con thứ ba trở lên ở tỉnh ta đang có chiều hướng gia tăng. Nếu như năm 2016, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên là 15,8% thì năm 2020, tỷ lệ này đã tăng lên 23,8%, ước tính đến hết năm 2021, tỷ lệ này tăng lên 25,9%. Phần lớn trường hợp sinh con thứ ba trở lên thuộc những gia đình sinh con một bề, một số ít gia đình muốn có đông con nên dù đã có cả trai, gái nhưng vẫn sinh thêm con thứ ba.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác DS - KHHGĐ và những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai của việc MCBGTKS, trong những năm qua, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã triển khai nhiều hoạt động can thiệp tích cực như: Tiếp tục thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021 - 2025; phối hợp với thanh tra Sở Y tế tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định về nghiêm cấm lựa giới tính thai nhi đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế trên địa bàn. Tuy nhiên để giảm dần sự chênh lệch giới tính khi sinh, tập trung công tác tuyên truyền để các cấp, các ngành và mỗi người dân thấy được những hệ lụy của vấn đề mất cân bằng giới tính, để từ đó chuyển đổi từ nhận thức đến hành động của mỗi người, trong đó chú trọng loại hình tư vấn đối thoại trực tiếp với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, vị thành niên, các gia đình sinh con một bề. Đặc biệt cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở y tế trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm lựa chọn giới tính thai nhi. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định của Pháp lệnh Dân số…
Nguồn: Báo Hưng Yên