GĐXH – Theo các chuyên gia, thời gian tới, cần đảm bảo cho người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Thành tựu và thách thức của già hóa dân số

Già hóa dân số là một trong những xu hướng và đặc điểm quan trọng nhất của thế kỷ 21. Giống như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2009-2019, dân số cao tuổi tăng từ 7,45 triệu lên 11,41 triệu, tương ứng với tăng từ 8,68% lên 11,86% tổng dân số. Năm 2022, tỷ lệ người cao tuổi nước ta chiếm khoảng 12% dân số. Theo ước tính của các chuyên gia, năm 2019 cứ 2 trẻ em thì có 1 người cao tuổi, thì đến 50 năm sau (năm 2069) cứ 2 trẻ em sẽ có 3 người cao tuổi.

Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc. Ảnh minh họa

Già hóa dân số là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Song với tuổi thọ tăng và mức sinh thấp, Việt Nam được dự báo là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới và sớm trở thành quốc gia dân số già vào năm 2038.

Như vậy, già hóa dân số nhanh đặt ra những thách thức rất lớn cho hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe, bảo vệ quyền lợi cho người cao tuổi ở nước ta và tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi

Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi luôn có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Bác Hồ đã dạy người cao tuổi nước ta thực sự là "vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam".

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủ chương, chính sách, chiến lược, chương trình, đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi như: Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về chăm sóc sức khỏe người cao tuổi: Quyết định số 1679/QĐ-TTg ngày 22/11/2019 phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu "Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030".

Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 phê duyệt Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021-2030 với mục tiêu về chăm sóc sức khỏe: "Tăng cường sức khỏe về thể chất và tinh thần, phòng chống ngược đãi người cao tuổi; nâng cao chất lượng mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh, khám, chữa bệnh và quản lý các bệnh mãn tính cho người cao tuổi; xây dựng môi trường thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, vui chơi, giải trí".

Ngày 24/11/2023, BCH TƯ Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, trong đó, công tác người cao tuổi được xác định là một trong các chủ trương, định hướng lớn.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu: 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiếm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; tuổi thọ trung bình của người dân khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm..., đồng thời định hướng: "Tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong và sau độ tuổi lao động để thích ứng với tốc độ già hóa dân số".

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội

Từ năm 2015, tháng 10 được Chính phủ quyết định là Tháng Hành động Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam. Năm nay, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10 và Tháng hành động Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam với chủ đề "Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội", từ Trung ương đến địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hướng đến mục tiêu chung tay bảo vệ, chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trên cả nước nhằm thích ứng với già hóa dân số.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Ảnh minh họa

Đơn cử, tại Thanh Hóa, theo thống kê của Chi cục Dân số tỉnh, năm 2023, số người từ 60 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh là hơn 730.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 19% dân số trong tỉnh. Với mục đích quan tâm, chăm sóc người cao tuổi, thời gian qua, ngành Dân số tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình thiết thực, ý nghĩa như: Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ "chăm sóc sức khỏe người cao tuổi" với 27.950 thành viên tham gia tại 558 xã, phường, thị trấn; tổ chức Hội nghị cung cấp thông tin về già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến lãnh đạo chính quyền đoàn thể, người có uy tín trong cộng đồng…

Hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam, nhiều hoạt động trọng tâm được tổ chức như: Truyền thông, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành, cộng đồng xã hội; tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi; không ngừng phát huy truyền thống, uy tín, kinh nghiệm của người cao tuổi trong chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi trước thực trạng già hóa dân số hiện nay. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tham mưu về công tác dân số nói chung, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao năng lực khám chữa bệnh, phục hồi chức năng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho công tác dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; huy động sự tham gia của các tổ chức, cá nhân, toàn xã hội trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.

Tại Bắc Giang, Chi cục Dân số tỉnh vừa phối hợp với Hội người cao tuổi tỉnh tổ chức các Hội nghị truyền thông về chăm sóc, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn nhiều huyện, thị xã. Tại các hội nghị, đại biểu đã được lãnh đạo Chi cục Dân số tỉnh cung cấp thông tin về thực trạng già hóa dân số cơ hội và thách thức trong giai đoạn hiện nay; tuyên truyền về các văn bản của trung ương, địa phương có liên quan đến chăm sóc người cao tuổi.

Thông qua hội nghị đã giúp cho người cao tuổi nâng cao kiến thức về dân số, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong giai đoạn hiện nay; lão hóa, cách phòng bệnh và hạn chế lão hóa ở người cao tuổi; cũng như một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi, cách phòng bệnh và chế độ dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt ở người cao tuổi, qua đó giúp người cao tuổi chủ động trong việc tự chăm sóc bản thân để "Sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc".

Ngày 26/9 vừa qua, Bộ Y tế và Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam đã tổ chức Lễ ký kết Chương trình phối hợp hoạt động về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi giai đoạn 2024-2028, nhằm tăng cường phối hợp triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số nhanh ở nước ta.

Đảm bảo người cao tuổi được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng; phát huy vai trò, chủ động tham gia các hoạt động chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Đề án phát triển nhân viên chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng và cơ sở chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" trong thời gian sớm nhất.

Nguồn: Báo gia đình xã hội