Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm, tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh trong toàn huyện những năm gần đây liên tục ở mức báo động. Năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh là 132,1 bé trai/100 bé gái; năm 2022 là 119,63 bé trai/100 bé gái. 9 tháng năm 2023, tỷ số này là 152,46 bé trai/100 bé gái. Toàn bộ 11 xã, thị trấn của huyện đều có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Cá biệt một số địa phương có tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh 9 tháng năm 2023 lên tới gần hoặc hơn 200

Bà Ngô Thị Lệ Mỹ, Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm) cho biết: Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do quan niệm “trọng nam khinh nữ”, con trai nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ trong việc phát hiện giới tính thai nhi… đang góp phần làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các địa phương trong huyện cao như hiện nay. 

Cộng tác viên dân số là cầu nối đưa chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình đến với người dân

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tỷ số giới tính khi sinh được xác định bằng số trẻ em trai/100 trẻ em gái được sinh ra. Tỷ số giới tính được coi là bình thường, phù hợp với tự nhiên là trong khoảng 103 – 107 nam/100 nữ. Bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào của tỷ số trên chệch khỏi mức sinh học bình thường sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam giới, thiếu nữ giới ở tất cả các nhóm tuổi trong tương lai, nhất là trong độ tuổi kết hôn, từ đó nảy sinh những tiêu cực đối với cấu trúc dân số. Bên cạnh đó, mất cân bằng giới tính khi sinh cũng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình và cộng đồng, làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giới, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao...

Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, huyện Văn Lâm quyết liệt triển khai thực hiện Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông dưới nhiều hình thức (hội nghị, đài truyền thanh, mạng xã hội…) với các nội dung về thực trạng, phương pháp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh; tuyên truyền nghiêm cấm việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi; giáo dục về giới, bình đẳng giới... Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành vi của mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng đối với việc giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, Phòng Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Văn Lâm) phối hợp với các trường THPT trên địa bàn huyện tổ chức truyền thông sức khỏe sinh sản... cho học sinh; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, tuyên truyền về giới và giới tính khi sinh cho đội ngũ cộng tác viên dân số tại 11 xã, thị trấn.

Tuy nhiên theo chị Phạm Thùy Linh, cộng tác viên dân số xã Lương Tài: Hiện nay, đa số người dân nhận thức được những hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhưng hành vi vẫn chưa thay đổi, vẫn muốn đẻ nhiều con và đặc biệt phải có con trai. Tư tưởng này khiến cho việc tuyên truyền, vận động gặp nhiều trở ngại.

Trong điều kiện hiện nay, không dễ dàng để thay đổi quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, thờ cúng tổ tiên, phụng dưỡng cha mẹ của một bộ phận người dân. Vì vậy, việc kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cần có những hành động quyết liệt, sự nỗ lực hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và mỗi cá nhân, gia đình, đặc biệt nêu cao vai trò gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.

Nguồn báo Hưng Yên