Nâng cao chất lượng dân số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số hiện nay, đặt ra yêu cầu trong việc phối hợp thực hiện các giải pháp trong đó sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi chào đời. Điều này giúp nâng cao chất lượng dân số và cải thiện, cũng như hạn chế hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra cho trẻ, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội.

Việc phổ biến và nâng cao kiến thức của người dân đặc biệt là phụ nữ có chồng trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai có vai trò vô cùng quan trọng, góp phần hạn chế tỷ lệ trẻ sinh ra bị mắc các dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng giống nòi. Hiểu được tầm quan trọng đó, từ ngày 15/4 đến ngày 28/4/2025 Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh Hưng Yên phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, thị xã và các trạm y tế xã tổ chức 38 buổi truyền thông về lợi ích của chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và và sơ sinh cho các đối tượng là đại diện các ban, ngành đoàn thể xã, thông, cán bộ, viên chức làm công tác dân số tại cơ sở, nam, nữ thanh niên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh Hưng Yên

 

  

Tuyên truyền về sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh tại xã Nghĩa Trụ- Văn Giang

Tại buổi tuyên truyền, các đại biểu đã được cung cấp những kiến thức cơ bản về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh; thời điểm cần xét nghiệm sàng lọc trước sinh và sơ sinh; các bước thực hiện; những điều cần biết về dị tật bẩm sinh, các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc đối với dị tật bẩm sinh và cách phòng tránh … từ đó giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra, góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Sàng lọc trước sinh và sơ sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai và sau khi sinh để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: hội chứng Down (tam bội thể 13), hội chứng Ewards (tam bội thể 18) và dị tật ống thần kinh, thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh, tan máu bẩm sinh…

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục DS-KHHGĐ, ở Việt Nam, mỗi năm có hơn 1 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó khoảng 22.000 đến 30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Nếu sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh tốt sẽ phát hiện được khoảng 1.700 trẻ bị tan máu bẩm sinh thể nặng (Thalassemia); 1.400 trẻ bị bệnh down; 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh; 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh; 10.000 đến 20.000 trẻ bị thiếu men G6DP và nhiều bệnh lý di truyền khác. Khoảng 60% đến 70% dị dạng, dị tật bẩm sinh đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Khám thai định kỳ, sàng lọc trước sinh là cần thiết nhằm phát hiện dị tật sơ sinh để sớm có các biện pháp can thiệp hiệu quả, giúp mang lại một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính các bé và gia đình.

Bích Bùi