Thực hiện Kế hoạch số 534/KH-SYT ngày 12/4/2023 của Sở Y tế về việc thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh tỉnh Hưng Yên đến năm 2030; Từ ngày 09/8 đến ngày 30/8 Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã tổ chức 30 hội nghị truyền thông, tư vấn về Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh năm 2023 cho trên 1800 đại biểu là cán bộ các ban, ngành đoàn thể, người dân trên địa bàn 30 xã,
Tại Hội nghị, các đại biểu được báo cáo viên của Chi cục Dân số - KHHGĐ giới thiệu về quy trình, lợi ích của chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh ở Việt Nam và Hưng Yên. Sàng lọc trước sinh là việc sử dụng các biện pháp thăm dò đặc hiệu trong thời gian mang thai để chẩn đoán xác định các trường hợp bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể ở thai nhi như: Hội chứng Down (tam bội thể 13), hội chứng Ewards (tam bội thể 18) và dị tật ống thần kinh…Sàng lọc sơ sinh là một biện pháp dự phòng hiện đại, dùng kỹ thuật y khoa nhằm tìm kiếm để phát hiện ra các bệnh liên quan đến nội tiết, rối loạn di truyền ngay khi đứa trẻ vừa ra đời, cho phép phát hiện một số bệnh lý và tật, bệnh bẩm sinh như: thiểu năng trí tuệ, thiếu men G6PD, suy giáp bẩm sinh, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và tử vong sớm do tan máu bẩm sinh…

Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam có hơn 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, tương đương cứ 33 trẻ em lại có một bé mắc bệnh. Trong đó, khoảng 1.800 trẻ mắc hội chứng Down, 250 trẻ mắc hội chứng Edwards, 1.500 trẻ dị tật ống thần kinh, 8.000 trẻ mắc Thalassemia và hàng loạt bệnh lý khác. Dị tật bẩm sinh còn gây ra hơn 1.700 số ca tử vong cho trẻ sơ sinh. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nếu thai phụ được sàng lọc trước sinh kết hợp với sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Mặc dù hầu hết các bà mẹ khi mang thai đến kiểm tra định kỳ tại các cơ sở y tế, tuy nhiên tỷ lệ các bà mẹ thực hiện khám sàng lọc, chẩn đoán dị tật thai nhi chưa cao. Một số bà mẹ còn e ngại khi đăng ký cho các bé tham gia sàng lọc sơ sinh, một phần vì cho rằng trẻ mới sinh còn yếu, một phần áp lực công việc và khả năng tài chính còn khó khăn. Trong khi đó, những trẻ sinh ra không may bị dị tật hoặc thiểu năng trí tuệ không chỉ là sự thiệt thòi, nỗi đau cho trẻ mà còn là gánh nặng cho gia đình và toàn xã hội.

Thông qua buổi truyền thông các đại biểu hiểu được tham gia Chương trình Sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh là rất cần thiết với sự phát triển của trẻ bởi một số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này, giảm thiểu số người tàn tật, thiểu năng trí tuệ trong cộng đồng góp phần nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực cho xã hội.
Thu Cúc