Năm 2023, kỷ niệm lần thứ 33 Ngày Quốc tế người cao tuổi, Liên hợp quốc đưa ra chủ đề về Ngày Quốc tế người cao tuổi là: "Fulfilling the Promises of the Universal Declaration of Human Rights for Older Persons: Across Generations" (Tạm dịch: "Thực hiện lời hứa của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho người cao tuổi: Qua các thế hệ").

Trên toàn thế giới, số người từ 65 tuổi trở lên được dự đoán sẽ tăng hơn gấp đôi, từ 761 triệu người vào năm 2021 lên 1,6 tỷ người vào năm 2050. Số người từ 80 tuổi trở lên thậm chí còn tăng nhanh hơn. Già hóa dân số là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Vào năm 2021, cứ 10 người trên toàn thế giới thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên. Vào năm 2050, nhóm tuổi này dự kiến sẽ chiếm 1/6 người trên toàn cầu.
Ở Việt Nam việc quan tâm, chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi ở nước ta hiện nay nó vừa mang ý nghĩa kinh tế chính trị, xã hội mà còn mang ý nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã được nhà nước ta quy định rõ trong hiến pháp nước Việt Nam: “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ” (Hiến pháp Việt Nam năm 1946). “Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông , bà, cha, mẹ”; “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ” (Hiến pháp Việt Nam năm 1992). Hay trong Chỉ thị số 59-CT/TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư TW Đảng khoá VII cũng nêu rõ: “Người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dạy con cháu giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước; một bộ phận đông đảo người cao tuổi Việt nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc nên việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của người cao tuổi là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn xã hội”
Theo kết quả các cuộc tổng điều tra dân số và điều tra biến động dân số hằng năm cho thấy tuổi thọ trung bình của người Việt Nam liên tục tăng, đạt 72,8 tuổi (2009) lên 73,5 tuổi (2017) và 73,6 tuổi (2019). Năm 2022, tuổi thọ trung bình là 73,6 tuổi (trong đó nam là 71,1 tuổi và nữ là 76,4 tuổi). Tuy tuổi thọ bình quân của người Việt Nam cao nhưng số năm sống khỏe mạnh tính từ lúc sinh mới chỉ đạt 65 năm. Tỷ lệ người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên trong cơ cấu dân số giai đoạn 2017 - 2020 chiếm từ 8% - 9%. Đến năm 2021, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên đạt 8,3%. Số người cao tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế tăng qua các năm, 10.717.450 người (2018); 11.281.071 người (2019); 12.190.504 người (2020); 12.433.901 người (2021). Sau 5 năm, tính đến hết tháng 12/2022, tổng số người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế là 13.165.706 người (tăng 22,8% so với năm 2018). Trong bối cảnh như vậy, cần tiếp tục chú trọng chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng. Cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về: quyền, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của NCT; từng bước xóa bỏ các định kiến về chăm sóc sức khỏe NCT tại các cơ sở tập trung (nhà dưỡng lão, trung tâm dưỡng lão…); các cơ quan, tổ chức, gia đình và cộng đồng không kỳ thị và coi người cao tuổi là gánh nặng; cần quan tâm giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò NCT; nghĩa vụ, trách nhiệm phụng dưỡng NCT của gia đình và cộng đồng có NCT.
Tại Hưng Yên, theo số liệu thống kê cho thấy, vấn đề già hóa dân số ở Hưng Yên đã diễn ra từ năm 2010, với số người cao tuổi (trên 60 tuổi) là 117.602 người chiếm trên 10,3% tổng dân số của tỉnh, trong đó nam: 51.329 người, nữ: 79.848 người. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ người cao tuổi của cả nước gần 1% (cả nước là 9,4%). Đến năm 2022 số người cao tuổi của Hưng Yên đã lên tới 236.930 người chiếm 17.58% tổng số dân (trong đó 100.544 nam, 136.386 nữ).
Thực hiện Công văn số 685/TCDS-TTGD ngày 22/8/2023 của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) về việc hướng dẫn nội dung truyền thông hưởng ứng Ngày tránh thai thế giới, Ngày quốc tế người cao tuổi và Ngày quốc tế trẻ em gái; Thực hiện Kế hoạch số 324/KH-UBND ngày 31/10/2017 của UBND tỉnh Hưng Yên về thực hiện Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017-2025; Hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam và Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2023; Từ ngày 19/9 đến ngày 18/10/2023, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đã phối hợp với 10 Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố và Trạm Y tế của 40 xã triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi tổ chức Chiến dịch Truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe cho Người cao tuổi năm 2023 nhằm cung cấp kiến thức về các bệnh người cao tuổi thường gặp, các kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và người cao tuổi tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tại cộng đồng, thích ứng với giai đoạn già hóa dân số góp phần thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi, Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2017-2025. Sau buổi truyền thông, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố cũng phối hợp với Trạm Y tế các xã tổ chức khám, tư vấn sàng lọc một số bệnh thường gặp đối với người cao tuổi.

Ngày Quốc tế Người cao tuổi năm 2023 với chủ đề: “Gia đình và xã hội hãy tạo điều kiện để người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích”, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh tập trung vào các nội dung tuyên truyền về các văn bản của Nhà nước có liên quan đến chăm sóc người cao tuổi như: Quyết định số 7618/QĐ-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế phê duyệt đề án chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025; Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 13/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Quyết định số 403/QĐ-BYT ngày 20/01/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe NCT thích ứng với giai đoạn già hóa dân số, góp phần thực hiện Chương trình hành động Quốc gia về người cao tuổi.
Truyền thông vận động nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp; các nhà hoạch định chính sách; các chức sắc tôn giáo; những người có uy tín trong cộng đồng… về cơ hội, thách thức đối với việc chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi (NCT) nhằm xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, kế hoạch và đầu tư cho việc chủ động thích ứng với già hóa dân số; xây dựng môi trường chăm sóc sức khỏe thân thiện với người cao tuôi nhất là ở gia đình và cộng đồng.
Thu Cúc