Hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi (tháng 10) và Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10) năm 2024, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã tổ chức Chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại 41 xã phường thị trấn trong toàn tỉnh

Tháng hành động vì người cao tuổi (tháng 10) và Ngày Quốc tế Người cao tuổi (01/10) năm nay tập trung vào chủ đề: “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội”điều này nói lên hành động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không chỉ là trách nhiệm của bản thân mà còn là trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.

Hội nghị truyền thông tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên địa bàn xã Minh Hoàng huyện Tiên Lữ

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 (với số NCT từ 60 tuổi trở lên chiếm 10%; số người từ 65 tuổi trở lên là 7% tổng dân số). Già hoá dân số là một quá trình diễn ra khi tỷ lệ người lớn và người cao tuổi tăng lên, còn tỷ lệ trẻ em và vị thành niên giảm đi, cũng là lúc mức sinh giảm xuống và tuổi thọ bình quân không thay đổi hoặc tăng lên. Giai đoạn này có thể chỉ kéo dài 25 năm, tức là dự kiến đến năm 2036 Việt Nam sẽ chuyển sang giai đoạn dân số già (tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 20% hoặc tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trên 14% tổng dân số); đến năm 2049, Việt Nam trở thành xã hội siêu già (tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 25% hoặc tỷ lệ người từ 65 trở lên chiếm trên 20% tổng dân số). Điểm cơ bản tạo ra các thách thức đối với Việt Nam là nước ta chỉ có khoảng 25 năm để chuyển từ xã hội già hóa dân số sang xã hội dân số già, trong khi Pháp là 115 năm, Thụy Điển 89 năm, Mỹ 69 năm... Như vậy, trong khi các nước có hàng trăm năm hoặc hơn nửa thế kỷ để từng bước thay đổi chính sách, ứng phó với sự già hóa dần, thì Việt Nam chỉ có khoảng 1/4 thế kỷ. Do đó, yêu cầu đặt ra là phải có các chính sách thích ứng tức thời, vừa trực diện vào ngay những tác động của già hóa dân số, vừa mang tính dài hơi.

Hưng Yên là một trong những tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tỷ lệ người cao tuổi cao nhất trong cả nước. Theo Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2010 tỷ lệ người cao tuổi (60 tuổi trở lên) của Hưng Yên là: 117.602 người,  chiếm 10,3% tổng dân số của tỉnh, trong đó nam: 51.329 người, nữ: 79.848 người. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ người cao tuổi của cả nước gần 1% (cả nước là 9,4%). Theo kết quả Tổng điều tra dân số năm 2009 thì chỉ số già hoá của Hưng Yên là 50,8 trong khi đó của cả nước là 35,7. Như vậy tốc độ già hoá của Hưng Yên nhanh hơn của cả nước. Cũng theo Tổng điều tra năm 2009 tuổi thọ bình quân của cả nước là 72,8; của Hưng Yên là 73,9 (xếp thứ 18/63 tỉnh, thành phố) trong đó nam là 71,3; nữ là 76,6. Nữ có tuổi thọ cao hơn nhiều so với nam. Đối với người cao tuổi, số lượng cụ bà là 79.667 cao hơn nhiều so với số lượng cụ ông là 50.994. Đến năm 2019 thì tuổi thọ bình quân của Hưng Yên đã được nâng lên 74,6 tuổi. Mặc dù tuổi thọ cao nhưng số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi ở Hưng Yên chưa cao. Chăm sóc y tế cho người cao tuổi mặc dù dã được cải thiện, song khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của nhóm người cao tuổi có thu nhập thấp còn hạn chế. Chi phí trung bình cho điều trị người cao tuổi cao gấp 7 - 8 lần chi phí điều trị cho trẻ em.

Xu hướng chung của dân số thế giới là mức độ già hoá ngày càng tăng lên, số lượng người cao tuổi ngày càng nhiều. Do đó việc phát huy vai trò của người cao tuổi và chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi là rất quan trọng, để tạo cho người cao tuổi có cuộc sống khoẻ mạnh, sống vui, sống khoẻ, sống có ích. Chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi là trách nhiệm của toàn Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội.

Chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe người cao tuổi năm nay đã thu hút được sự tham gia của đông đảo người cao tuổi trên địa bàn các xã, phường, thị trấn triển khai Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tại Chiến dịch, người cao tuổi được tư vấn về các bệnh thường gặp ở người cao tuổi, chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể dục thể thao đúng cách, dinh dưỡng dành cho người cao tuổi… bên cạnh đó, người cao tuổi tham gia chiến dịch còn được đội ngũ y bác sỹ đến từ Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp siêu âm, khám, tư vấn về sức khỏe, các bệnh thường gặp ở người cao tuổi.

Đa số NCT tham gia tại chiến dịch, sau khi được thăm khám mắc ít nhất từ 1 đến 3 bệnh, phổ biến nhất là bệnh về xương khớp, huyết áp và các bệnh về mắt…. điều này phù hợp với nghiên cứu trước đây về thực trạng sức khỏe NCT ở Việt Nam. Người cao tuổi ở Hưng Yên cũng nằm trong tình trạng chung của người cao tuổi trong cả nước phải đối mặt với nhiều tiềm ẩn của bệnh tật và nghèo đói, phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép

Theo ghi nhận tại Chiến dịch, nhiều NCT bày tỏ mong muốn nhận được nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành, đảng, chính quyền các cấp tới công tác người cao tuổi đặc biệt trong chăm sóc sức khỏe cho NCT.

Thu Cúc – Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh Hưng Yên